KHOA KIẾN TRÚC- TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

Thực tế môn học tại Cù Lao Rùa (Tân Uyên, Bình Dương) của sinh viên ngành Văn hoá học

Ngày đăng: 10/07/2020 11:47 | Xem: 753
THỰC TẾ MÔN HỌC TẠI CÙ LAO RÙA (TÂN UYÊN, BÌNH DƯƠNG)
CỦA SINH VIÊN NGÀNH VĂN HOÁ HỌC
 
          Để tăng cường kiến thức thực tế cho nhóm học phần Văn hoá Nam Bộ, Văn hoá dân gian, Phong tục và lễ hội, tập thể sinh viên lớp D18VH01 trường Đại học Thủ Dầu Một đã có chuyến đi tham quan thực tế tại Cù Lao Rùa (thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vào ngày 3 tháng 7 năm 2020.
          Cù lao Rùa (thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là một trong những vùng đất lưu giữ được nhiều di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Bình Dương, đóng vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh. Các di tích tiêu biểu ở nơi đây có thể kể đến như: đình Nhựt Thạnh (Nhựt Thạnh cổ miếu), khu mộ đại tá Trần Công An, Khánh Sơn cổ tự…
          Đình Nhựt Thạnh là nơi lưu giữ những nét văn hóa tín ngưỡng dân gian và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi hoạt động cách mạng của các cán bộ, nhân dân yêu nước trong vùng. Ngôi đình này không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo của nhóm nghệ nhân tác tạo, mà đây còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hoá của vùng thông qua quá trình xây dựng và tôn tạo đình, qua những sự kiện lịch sử và qua các nghi thức tế đình, cũng như qua những liễn đối sâu sắc bằng chữ Hán. Ngôi đình này như càng thiêng liêng hơn bởi trước mặt là nơi yên nghỉ của người anh hùng Trần Công An cùng với người vợ cũng là người đồng chí của ông.
Giảng viên Văn hoá học và sinh viên lớp D18VH01 trước sân đình Nhựt Thạnh
 
Dâng hương trước mộ phần của đại tá Trần Công An
 
         Cách đình Nhựt Thạnh không xa là chùa Khánh Sơn. Ngôi chùa cổ kính thiêng liêng này nằm yên bình trên đồi cây cỏ, như hoà mình vào trong trời đất. Nhìn từ trên cao, ngôi chùa trên đồi giữa cù lao như một toà sen nổi lên trên mai của con rùa quý.
Chùa Khánh Sơn
 
         Đặc biệt, trước khi kết thúc chuyến đi ý nghĩa này, sinh viên Văn hoá học còn đến tư gia của nhà báo Mai Sông Bé (nguyên Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai) để được nghe nhà báo giới thiệu hết sức sống động về đất và người Cù lao Rùa. Thú vị hơn nữa là, ngôi nhà này còn là một thư viện phi lợi nhuận, được gầy dựng từ tình yêu đời và tình yêu người của nhà báo.
Sinh viên Văn hoá học lắng nghe nhà báo Mai Sông Bé giới thiệu về đất và người Cù lao Rùa
 
          Tuy với quy mô của một chuyến đi thực tế môn học, nhưng chuyến trải nghiệm thực tế này đã đem lại một nguồn hứng khởi rất lớn cho sinh viên ngành Văn hoá học, giúp các em cảm nhận được sự thú vị bất ngờ khi theo học ngành Văn hoá học tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
Tin bài: PV VHH
Ảnh: nhiều nguồn
CHƯƠNG TRÌNH
ẢNH HOẠT ĐỘNG